NHÌN LẠI CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO “ĐỔI ĐẤT LẤY HÒA BÌNH” CỦA SIAM VÀ TRUNG QUỐC TRONG QUAN HỆ VỚI CÁC NƯỚC PHƯƠNG TÂY TỪ GIỮA THẾ KỶ XIX ĐẾN ĐẦU THẾ KỶ XX
Nguyễn Văn Tận
Chính sách ngoại giao “đổi đất lấy hòa bình” là một trong những chính sách được các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á sử dụng trong quan hệ với các nước phương Tây thời cận đại. Chính sách đó phát huy tác dụng tùy theo đặc điểm tình hình và điều kiện của mỗi nước. Trong khuôn khổ của bài báo này, tác giả chỉ tập trung làm rõ việc thực thi chính sách trên ở một nước Đông Nam Á, đó là Siam và một nước ở Đông Bắc Á là Trung Quốc để nhận diện quá trình triển khai và mức độ đạt được trong quan hệ với các nước phương Tây từ giữa thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Với việc thực hiện chính sách ngoại giao “đổi đất lấy hòa bình” đã giúp Siam không những duy trì được nền độc lập của mình mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho Siam sớm hội nhập với thế giới cũng như phát triển kinh tế trong điều kiện đất nước hòa bình. Trong khi đó, Trung Quốc không rơi vào ách thống trị trực tiếp của chủ nghĩa thực dân phương Tây nhưng lại trở thành nước phụ thuộc vào các nước phương Tây.