NGHIÊN CỨU QUY TRÌNH CHIẾT XUẤT VÀ TÁC DỤNG CHỐNG OXY HÓA CỦA TINH DẦU CHIẾT XUẤT TỪ CÂY MÀNG TANG Ở GIA LAI
Nguyễn Trần Bảo Châu, Nguyễn Võ Phương Ngọc, Lương Văn Tri
Cây màng tang hay còn gọi là khương mộc, tất trừng già, sơn thương (tên khoa học: Litsea cubeba Pers.) phân bố ở nhiều tỉnh, thành của Việt Nam. Ở Tây Nguyên, cây màng tang thường gặp ở khu vực rừng tái sinh thuộc các tỉnh Gia Lai, Kon tum và Lâm Đồng. Nhằm mục đích xây dựng cơ sở khoa học cho việc chiết xuất và sản xuất các sản phẩm từ cây màng tang sinh trưởng ở Gia Lai. Đề tài đã xác định được hàm lượng tinh dầu thu được 3,77 ± 0,21 mL/1 kg mẫu nguyên liệu tươi. Quy trình chiết xuất được tối ưu với các thông số gồm kích thước mẫu nguyên liệu ≤3 cm, thời gian chiết 90 phút và mẫu nguyên liệu cần được chiết trong vòng 8 ngày kể từ khi thu hoạch. Thành phần hóa học chính của tinh dầu màng tang gồm những hợp chất sabinene (48,50%), 1,8-cineol (12,08), α-pinene (8,60%), β-pinene (8,27%), β-phellandrene (5,29%) và terpinen-4-ol (4,90%). Hơn nữa, tinh dầu màng tang ở Gia Lai được xác định có hoạt tính chống oxy hóa mạnh với giá trị IC50= 7,92 µg/mL (DPPH).
