TÌM HIỂU KHẢ NĂNG PHÂN GIẢI CELLULOSE CỦA VI SINH VẬT PHÂN LẬP TỪ CHẤT THẢI RẮN CỦA NHÀ MÁY FOCOCEV THỪA THIÊN HUẾ
Nguyễn Ngọc Trúc Ngân, Phạm Thị Ngọc Lan
Chất thải rắn, đặc biệt là phần vỏ gỗ của nhà máy sản xuất tinh bột sắn thường chứa một lượng lớn cellulose. Đây là hợp chất hữu cơ khó phân hủy, thời gian phân hủy khá dài và chiếm một diện tích mặt bằng đáng kể. Chính vì vậy, nghiên cứu hệ vi sinh vật phân giải cellulose trong khối ủ, cũng như đánh giá khả năng phân hủy của chúng và tìm ra chủng có hoạt tính cellulase mạnh là rất cần thiết để xử lý khối ủ, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo ra phân hữu cơ sinh học. Kết quả nghiên cứu cho thấy: số lượng vi sinh vật có sự biến động lớn và chênh lệch rất rõ giữa các nhóm, cao nhất là vi khuẩn (dao động trong khoảng từ 56,02x106 đến 343,23x106 CFU/g mẫu khô), tiếp đó là xạ khuẩn (từ 5,63x106 đến 96,24x106 CFU/g mẫu khô) và nấm mốc chiếm số lượng thấp nhất (từ 2,43x106 đến 34,78x106 CFU/g mẫu khô). Phân lập được 112 chủng vi khuẩn, 92 chủng xạ khuẩn và 55 chủng nấm mốc có khả năng phân giải cellulose và chọn được các chủng PV41, PX90 và PM39 có hoạt tính mạnh nhất. Trong môi trường dịch thể với nguồn carbon là CMC, nuôi cấy lắc xạ khuẩn, nấm mốc sau 120 giờ và vi khuẩn sau 60 giờ cho hoạt tính cellulase cũng như sinh khối cao nhất.