TIỂU THUYẾT VIỆT NAM SAU 1986 – NHÌN TỪ LÍ THUYẾT ĐỐI THOẠI (Khảo sát qua tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà)
Lê Thị Thúy Hằng
- Bakhtin là nhà triết học, mỹ học và nghiên cứu văn học lỗi lạc ở Liên Xô thế kỷ XX. Nội hàm trung tâm của những phạm trù mỹ học đồng thời là triết học của Bakhtin chính là “phức điệu”, “nguyên tắc phức điệu”. Trong hệ thống khái niệm của Bakhtin, “phức điệu” là “đa thanh” ở độ phát triển cao nhất. Tính đa thanh trong văn chương là biểu hiện của nguyên tắc đối thoại được Bakhtin quan niệm như là một thuộc tính phổ biến của tư duy con người. Bởi đối thoại là bản chất của ý thức, bản chất của tư duy.
Những năm 86 trở lại đây, cùng với sự đổi mới trong tư duy nghệ thuật, nhiều vấn đề về bản chất, quy luật của văn học Việt Nam được đem ra mổ xẻ, bàn luận, trong đó có quan niệm về tiểu thuyết. Với sự đổi mới trong tư duy sáng tạo và nghệ thuật biểu hiện, các nhà tiểu thuyết Việt Nam cũng làm một cuộc đối thoại riêng trong hành trình sôi động của văn chương thế giới - một hình thức liên chủ thể sáng tạo. Từ lí thuyết đối thoại của Bakhtin, sự lựa chọn “Tiểu thuyết Việt Nam sau năm 1986 – nhìn từ lí thuyết đối thoại (Khảo sát qua tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà)” góp thêm vào bản tổng phổ nhiều bè trong hành trình tìm kiếm bản thể người của các nhà tiểu thuyết Việt Nam nói chung, Nguyễn Việt Hà nói riêng. Đó là cuộc đối thoại bắt nguồn từ ý thức hệ, từ cấp độ tư tưởng trong sự va đập giữa văn chương và đời sống.