CHÍNH SÁCH CỦA MỸ VỚI VẤN ĐỀ THỐNG NHẤT BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN TRONG VÀ SAU THỜI KỲ CHIẾN TRANH LẠNH
Trần Thị Tâm
Có thể nói rằng, cho đến nay, bán đảo Triều Tiên là “đường biên giới cuối cùng” của cuộc Chiến tranh lạnh. Do đó, mối quan hệ giữa hai miền Nam – Bắc Triều Tiên vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh nên những xung đột, căng thẳng vẫn luôn thường trực tại đây. Được coi là một vị trí xung yếu trên “bàn cờ địa chính trị” khu vực Đông Bắc Á, bán đảo Triều Tiên luôn thu hút sự quan tâm, can dự của các cường quốc như Nga, Nhật, Trung Quốc và đặc biệt là Mỹ. Với Mỹ, bán đảo Triều Tiên là “cái neo” để Mỹ trụ chân ở Đông Bắc Á - nơi có những lực lượng tiềm ẩn nguy cơ, thách thức ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực và trên thế giới không chỉ trong thời kỳ Chiến tranh lạnh mà cả sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Mọi động thái chính trị của bán đảo bị chia cắt này, do đó không thể nằm ngoài tầm kiểm soát của Mỹ. Thái độ và chính sách của Mỹ đối với vấn đề thống nhất bán đảo Triều Tiên thực chất là như thế nào? Với việc tìm hiểu chính sách của Mỹ đối với hai miền Nam và Bắc Triều Tiên, bài viết sẽ luận giải làm rõ thái độ của Mỹ đối với vấn đề thống nhất đất nước trên bán đảo Triều Tiên.