HỆ HÌNH THƠ VIỆT NHÌN TỪ LÝ THUYẾT
Hồ Tiểu Ngọc
Trong nửa đầu thế kỷ XX, văn học Việt Nam đã trải qua một cuộc biến thiên lớn khi “trở dạ” thoát khỏi cái bóng trung đại, chính thức bước sang thời kỳ hiện đại. Thơ Việt, dưới sự ảnh hưởng của văn học phương Tây, cụ thể hơn chính là văn học Pháp, đã trải qua hàng loạt cuộc “cách mạng” thay đổi hệ hình, từ quan niệm triết mỹ cho đến thi pháp thể loại. Nếu nhìn theo quy luật hệ hình thì thơ Việt đã trải qua ba hệ hình: tiền hiện đại, hiện đại và hậu hiện đại. Những hệ hình ấy không phải lúc nào cũng tuần tự, tăng tiến mà là đan xen, phát triển và lặp lại, tùy theo nhu cầu của cuộc sống và sự tự nguyện đồng hành của thi ca. Soi chiếu tiến trình vận động của thơ Việt Nam hiện đại, bài viết mong muốn chỉ ra một cái nhìn mới từ góc độ lý thuyết hệ hình, đồng thời vạch ra được những bước chuyển hệ hình quan trọng trong dòng chảy thi ca để góp phần khái quát rõ hơn từng chặng đường đổi mới và cách tân thơ Việt từ nội dung phản ánh cho đến hình thức thể hiện.