KIẾN TRÚC TRỤ BIỂU ĐÌNH LÀNG HUẾ
Nguyễn Ngọc Tùng, Võ Trần Gia Phúc, Lê Nghi Minh Hiếu, Nguyễn Minh Hiếu
Trụ biểu đình làng tỉnh Thừa Thiên Huế là công trình cao nhất của làng và đóng vai trò là biểu tượng, dấu hiệu nhận biết vị trí đình làng. Qua khảo sát trụ biểu của 50 đình làng tỉnh Thừa Thiên Huế, trụ biểu thường có tiết diện hình vuông, chia làm 3 lối vào đình. Thông thường, 2 trụ giữa có khoảng cách lớn hơn so với khoảng cách từ trụ giữa và trụ biên (xấp xỉ 1,0-1,5 lần). Bên cạnh đó, chiều cao trụ giữa thường cao hơn trụ biên (xấp xỉ 5/4 lần). Trụ biểu có thể chia làm 3 phần: phần đế, phần thân, và phần đỉnh. Tùy vào trụ giữa và trụ biên mà tỷ lệ giữa các phần này có tương quan nhất định. Trụ biểu thường được xây bằng gạch, đá, vữa xi măng, mật mía, ngoài quét vôi, sơn, đắp nổi hoặc sành sứ. Hoa văn trang trí trên các trụ biểu rất đa dạng, phong phú, và có thể chia làm 7 chủ đề chính: hoa văn hình học, đồ vật, chữ, động vật, hoa lá cành trái, thần tiên, và phong cảnh. Những chủ đề này thể hiện ước vọng, mốc thời gian, tính thẩm mỹ, sinh hoạt hàng ngày, hay ý nghĩa nào đó của làng.