THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ VÀ THIỀN PHÁI LIỄU QUÁN - NHỮNG NÉT TƯƠNG ĐỒNG
Hoàng Ngọc Vĩnh, Hoàng Trần Như Ngọc
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là thiền phái Phật giáo yêu nước, nhập thế, kết hợp chặt chẽ giữa đời và đạo, đạo với đời. Vào thế kỷ XVII-XVIII, hệ tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm lại có điều kiện tỏa sáng trong đời sống người dân. Hệ tư tưởng này còn tiếp tục lan tỏa xuống phía nam, nhiều dòng Trúc Lâm với cơ sở Phật giáo được xây dựng ở Quảng Nam, Bình Định,.. Đó chính là sức sống của Phật giáo nói chung và thiền phái Trúc Lâm nói riêng trong đời sống tinh thần người dân Việt Nam.
Nối tiếp truyền thống Trúc Lâm ở Yên tử, thiền phái Liễu Quán do thiền sư Thiệt Diệu Liễu Quán sáng lập và phát triển ở đầu thế kỷ XVIII là sự dung hòa giữa Lâm Tế với Tào Động, với các yếu tố yêu thiên nhiên, yêu nước, vì dân tộc. Thiền phái Liễu Quán là phái thiền thuần Việt, do người Việt sáng lập, thoát khỏi mọi ràng buộc của văn hóa nước ngoài. Từ khi Tổ Thiệt Diệu – Liễu Quán viên tịch đến nay, đã trải dài hơn 270 năm. Đạo mạch do Tổ quật khai, không những đã tỏa rộng khắp mọi miền đất nước Việt Nam, mà còn tỏa rạng đến nhiều châu lục trên thế giới.
Do vậy, sẽ là một thiếu sót nếu nghiên cứu lịch sử và lịch sử tư tưởng Việt Nam mà không nghiên cứu lịch sử Phật giáo và lịch sử tư tưởng Phật giáo Việt Nam. Bài viết này góp phần nghiên cứu về những nét tương đồng giữa thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và thiền phái Liễu Quán trên một số phương diện.