ĐÁNH GIÁ SỰ BIẾN ĐỔI MÔI TRƯỜNG ĐỊA CHẤT DO HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC SA KHOÁNG TITAN VEN BIỂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
Lê Duy Đạt
Duyên hải miền Trung có bờ biển kéo dài với nhiều dãy cồn cát là điều kiện thuận lợi để tích tụ các khoáng vật trọng sa trong đó đặc trưng nhất phải kể đến nhóm khoáng vật titan. Đây là nhóm khoáng vật rất dễ khai thác bằng phương pháp lộ thiên và có giá trị kinh tế cao mang lại nguồn thu đáng kể cho các địa phương.
Hiện nay, Bình Định là một trong những tỉnh có trữ lượng rất lớn về sa khoáng titan và đang tiến hành khai thác trên diện rộng. Quá trình khai thác titan đã làm biến đổi môi trường địa chất trong khu vực (như trường phóng xạ, chất lượng nước ngầm). Để đánh giá sự biến đổi môi trường địa chất này, tác giả đã thực hiện các công việc như nghiên cứu tài liệu, khảo sát thực địa kết hợp việc lấy 20 mẫu nước ngầm để phân tích các chỉ tiêu như (TSS, COD, Cl-, NO3-, Fe, coliform tổng số…) và đo mức độ phóng xạ ở các khu vực khai thác khác nhau bằng các thiết bị hiện đại.Trên cơ sở đó, tác giả đã đối sánh với QCVN 09:2008/ BTNMT và TCVN 6866:2001 để đánh giá mức độ biến đổi trong quá trình đang khai thác so với trước lúc chưa khai thác.