NHẬN THỨC VÀ HÀNH ĐỘNG CỦA CHÚA NGUYỄN TRONG QUAN HỆ VỚI TRUNG QUỐC, NHẬT BẢN THẾ KỶ XVII-XVIII
Trần Thị Tâm, Mai Văn Được
Từ năm 1558 trở đi, cùng với quá trình xây dựng và củng cố chính quyền tại Đàng Trong, các chúa Nguyễn đã nhận thức mình là một thực thể chính độc lập. Với tầm nhìn hướng biển, Chúa Nguyễn đã tiến hành giao thương với các quốc gia trong và ngoài khu vực theo đường lối riêng nhằm tăng cường, củng cố sức mạnh của chính quyền Đàng Trong. Do vậy, các hoạt động ngoại thương diễn ra hết sức sôi nổi suốt nhiều thế kỷ. Nhiều thương nhân từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Hà Lan… đến buôn bán, lập thương điếm. Từ đó hình thành nhiều thương cảng quốc tế như Hội An, Thanh Hà, Nước Mặn… Bài viết này sẽ tập trung tìm hiểu về quan hệ giữa Đàng Trong với Trung Quốc và Nhật Bản như là những minh chứng điển hình cho nhận thức và hành động của các chúa Nguyễn.