NGHIÊN CỨU KHẢ NĂNG KHÁNG KHUẨN VÀ MỘT SỐ CHỈ TIÊU HÓA SINH CỦA DỊCH CHIẾT LÁ CÂY THUỐC BỎNG (Kalanchoe pinnata (LAM.) PERS)
Nguyễn Thị Thu Thủy
Cây thuốc bỏng (Kalanchoe pinnata (Lam). Pers) hay còn gọi là cây sống đời trong dân gian thường dùng làm thuốc giải độc, chữa bỏng, đắp vết thương và cầm máu. Ngoài ra, còn được dùng chữa viêm loét dạ dày, một số bệnh đường ruột và bệnh nhiễm trùng khác. Để làm sáng tỏ công dụng của loại dược liệu này, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu hoạt tính kháng khuẩn với 5 loại vi khuẩn kiểm định (E. coli, B. pumilus, S. aureus, Vibrio parahaemoliticus (HU3) và Vibrio sp. (HH1). Kết quả thực nghiệm cho thấy: trong 3 loại dung môi (nước, nước muối sinh lý và cồn đốt) dùng để chiết rút thì dịch chiết lá thuốc bỏng bằng cồn đốt cho hoạt tính kháng khuẩn mạnh nhất với hiệu số vòng vô khuẩn của HU3 ở tỉ lệ 4:1 là 27.33 mm, nhưng khi chiết bằng nước không thấy xuất hiện vòng vô khuẩn với E. coli, B. pumilus và HH1 ở tỉ lệ 2:1. Dịch chiết cao toàn phần của lá cây thuốc bỏng bằng dung môi cồn cho khả năng kháng khuẩn mạnh đối với cả 5 loại vi sinh vật kiểm định. Với dịch chiết flavonoid từ lá thuốc bỏng có hiệu số vòng vô khuẩn rất cao, dao động từ 23,66 - 35,16 mm ở tỉ lệ 1/50. Phân tích một số thành phần hóa sinh của lá cây thuốc bỏng cho hàm lượng vitamin C vào buổi và buổi chiều lần lượt là 0,088% và 0,077%; hàm lượng đường khử là 0,23%; flavonoid tổng số là 7,23%.