BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY NGHỀ DỆT CỔ TRUYỀN CỦA CÁC DÂN TỘC CƠ TU, TÀ ÔI Ở VÙNG BIÊN GIỚI VIỆT - LÀO
Trần Tấn Vịnh
Các dân tộc Cơ Tu, Tà Ôi là những tộc người thiểu số có ngôn ngữ ngành Cơtuic, thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơme, hệ Nam Á. Trong quá trình hình thành và phát triển, các dân tộc này đã sáng tạo ra kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng. Trong các loại hình di sản, nghề dệt thủ công đóng một vai trò quan trọng. Nhờ đó, đồng bào đã sở hữu bộ trang phục truyền thống hoàn chỉnh với nhiều loại hình như váy, áo, khố, tấm choàng, mũ, dây buộc tóc và thắt ngực, yếm... được trang trí hoa văn và màu sắc khá nổi bật so với các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên. Sản phẩm dệt của đồng bào chẳng những có giá trị vật chất, là thước đo giá trị xã hội, sự giàu có của mỗi gia đình, dòng tộc mà còn có giá trị về thẩm mỹ, thể hiện đời sống tinh thần phong phú và đa dạng.