QUÁ TRÌNH BIỆT HÓA TẾ BÀO GỐC TRUNG MÔ THÀNH TẾ BÀO GIỐNG TẾ BÀO GAN BẰNG CÂY DƯỢC LIỆU NÚC NÁC Oroxylum indicum (L.)
Đặng Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Tâm, Thân Trọng Nhã Khuê
Gần đây, đã có nhiều công bố cho rằng, các tế bào gốc trung mô có thể thay đổi các kiểu hình đặc trưng trong một số điều kiện biệt hoá thích hợp và chúng được lập trình lại để chuyển biệt hóa thành các tế bào của các lớp mô khác. Quá trình chuyển biệt hóa được gọi là "sự mềm dẻo của tế bào gốc". Tế bào gốc trung mô, hiện diện trong các mô khác nhau, bao gồm cả tủy xương, ngoài việc biệt hóa thành xương, sụn, cơ trơn và cơ xương, được cho là có khả năng chuyển biệt hóa thành tế bào da, gan, tế bào thần kinh và tế bào thần kinh đệm. Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá khả năng chuyển biệt hóa tế bào gốc trung mô từ dây rốn thành tế bào tương tự tế bào gan dưới ảnh hưởng của cao chiết từ cây Núc Nác Oroxylum indicum. Bằng phương pháp GC-MS chúng tôi đã định danh và xác định 17 chất hiện diện trong cao chiết cây Núc Nác, trong đó có 76,5% các chất có đặc tính bảo vệ gan. Cao chiết Núc Nác ở nồng độ 100 µg/ml có bổ sung 5µg/ml HGF có khả năng chuyển biệt hóa tế bào gốc trung mô thành tương tự tế bào gan.