PHẾ TÍCH CHAMPA NÚI MÒ O (PHÚ YÊN): PHÁT HIỆN VÀ NGHIÊN CỨU
Thân Văn Tiệp, Phạm Văn Triệu
Phế tích núi Mò O là một trong những di tích có niên đại sớm của văn hoá Champa, kết quả khai quật thăm dò năm 2024 đã phát hiện được những di tích và di vật quan trọng, đóng góp vào việc nghiên cứu, đánh giá giá trị của sự hình thành và phát triển của Phật giáo. Đặc biệt, trong hố khai quât đã tìm được 2 hiện vật là những tấm đất nung, mặt trước in nổi hình Đức Phật đang ngồi tư thế thiền trên toà sen, 2 bên là 2 bảo tháp, mặt sau khắc chìm chữ Sankrit (chữ Phạn), điều đó khẳng định nguồn gốc của loại hình hiện vật này. Qua nghiên cứu những loại hình di vật và di tích, đặc biệt là những tấm đất nung in hình Đức Phật đã đóng góp tư liệu vào việc tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển của Phật giáo, bên cạnh Hin-du giáo, của nhà nước Champa trên địa bàn tỉnh Phú Yên và khu vực miền Trung Việt Nam, cũng như Đông Nam Á.
