ĐẶC ĐIỂM KHOÁNG VẬT SÉT TRONG VỎ PHONG HÓA ĐÁ MAGMA PHỨC HỆ BẾN GIẰNG – QUẾ SƠN Ở NAM ĐÔNG, THỪA THIÊN HUẾ
Nguyễn Thị Lệ Huyền, Nguyễn Thị Thủy
Trên cơ sở kết quả phân tích nhiễu xạ Ron-ghen (XRD) đối với các mẫu đất phong hóa từ đá magma phức hệ Bến Giằng – Quế Sơn ở Nam Đông (Thừa Thiên Huế), bài báo giới thiệu thành phần khoáng vật sét trong đất và mô tả một số đặc điểm cơ bản của chúng, tạo cơ sở bước đầu trong việc đưa ra nhận định về khả năng sử dụng khoáng sét ở khu vực. Khoáng vật sét trong đất chủ yếu gồm kaolinit, illit, và vermiculit, ít hơn có allophan, chlorit, montmorilonit… Kaolinit phong hóa chủ yếu từ felspat, chiếm trung bình 33.8% khối lượng mẫu. Illit và vermiculit chiếm lần lượt 17.9% và 13.4% khối lượng các khoáng vật sét trong mẫu. Quá trình thay thế đồng hình hầu như không xảy ra trong cấu trúc ô mạng kaolinit, nhưng lại diễn ra phức tạp đối với cấu trúc tinh thể illit và vermiculit. Khoáng vật sét có vai trò quan trọng đối với nhiều lĩnh vực trong thực tiễn. Vì vậy, việc nghiên cứu đặc điểm của các khoáng vật sét có ý nghĩa rất lớn nhằm đề xuất sử dụng chúng một cách hiệu quả nhất.
